Đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp quý II-2022 và đề xuất giải pháp nâng cao Chỉ số PCI năm 2022

- Chiều 24-6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp quý II-2022 và đề xuất giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2022.

Dự hội nghị có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Công.

Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2021, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tuyên Quang đạt 64,76 điểm, tăng 1,3 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2020, xếp hạng thứ 29/63 tỉnh, thành phố, vươn lên nằm trong các tỉnh có điểm số khá. Đây thực sự là nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động xấu, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Công.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Chẩu Văn Lâm trân trọng cảm ơn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cùng Tuyên Quang thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các cấp, ngành, các cơ quan hoạch định chính sách nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phát biểu xây dựng tại hội nghị để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, tỉnh cam kết đảm bảo môi trường chính trị xã hội thống nhất, an ninh trật tự ổn định; tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch; cải thiện hạ tầng, điều kiện đất đai; thanh tra kiểm tra; công tác đào tạo việc làm phù hợp… Đồng chí đề nghị các doanh nghiệp tỉnh quan tâm tới công tác chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra nội bộ. Chính quyền các địa phương cần triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; gặp gỡ doanh nghiệp ở nhiều cấp, hình thức khác nhau; đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng; công tác tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch; phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận các giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần PCI của tỉnh trong năm 2022, nhiều ý kiến đã trao đổi các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thuế, công khai minh bạch các thông tin cần thiết cho nhà đầu tư như quy hoạch, đất đai, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của địa phương; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số... tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp trao đổi thẳng thắn, nêu cụ thể các khó khăn vướng mắc liên quan đến môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian qua. Đây là cơ sở để các sở, ngành tham mưu cho tỉnh giải đáp, trả lời thỏa đáng, thể hiện sự đồng lòng và quyết tâm tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kết luận hội nghị. Ảnh: Thành Công.

Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cam kết tỉnh thực hiện nghiêm túc đảm bảo môi trường chính trị, an ninh trật tự, môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, đồng chí đề nghị các cấp, ngành, các địa phương tiếp thu ý kiến phát biểu xây dựng tại hội nghị để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp đúng thời hạn, rõ ràng; tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; các chỉ số giảm điểm phải có những giải pháp nâng cao cụ thể và thực hiện 2 chỉ số mới là chỉ số xanh và chỉ số cơ sở hạ tầng; cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch các thông tin cần thiết cho nhà đầu tư; các doanh nghiệp, hiệp hội, liên minh hợp tác xã nghiên cứu, đánh giá thách thức, thời cơ của các ngành, lĩnh vực để kịp thời, chủ động đề xuất với tỉnh các giải pháp, sáng kiến cùng tỉnh tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng các tập thể. Ảnh: Thành Công.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trao Bằng khen cho các cá nhân. Ảnh: Thành Công.

Nhân dịp này, 14 tập thể và 16 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nâng cao Chỉ số PCI năm 2021 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Nhằm cải thiện chỉ số PCI của tỉnh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất để các doanh nghiệp hoạt động, thu hút thêm các nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững, tỉnh cần rà soát kỹ hơn môi trường kinh doanh, phổ biến thông tin tới các doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ, theo lĩnh vực từng sở, ngành, theo địa bàn huyện, theo nhóm doanh nghiệp với những vấn đề chung. Chính quyền địa phương cần tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website. Các cuộc gặp mặt, đối thoại cần có sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Tỉnh cần xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp; nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm kết nối, chia sẻ và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tỉnh cần tổ chức đánh giá thực thi của sở, ngành, huyện một cách thường xuyên; nghiên cứu, học tập các mô hình ở các tỉnh, thành phố trên cả nước để áp dụng phù hợp với điều kiện địa phương.

                                                                                  -----------------------------

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang:

Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đã ghi nhận nhiều cách làm mới, sáng tạo của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Để tiếp tục nâng cao chỉ số PCI, hiệp hội mong muốn tỉnh cần thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phục hồi sản xuất khó khăn; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, đào tạo nhân lực, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh; rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Các sở, ngành, địa phương cần phối hợp thống nhất trong công tác thanh tra, kiểm tra, tránh sự chồng chéo tại các doanh nghiệp; khảo sát đánh giá, cảm nhận của doanh nghiệp với môi trường đầu tư kinh doanh… đảm bảo khách quan, minh bạch, chính xác.

                                                                                  -----------------------------

Ông Nguyễn Ngọc Đình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng:

Được sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh, thời gian qua, công ty đã quy hoạch và định hướng đầu tư các nhà máy bê tông siêu tính năng tại thành phố Tuyên Quang, Chiêm Hoá, Na Hang. Với mục tiêu kinh doanh luôn hướng tới mở rộng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, do đó, tôi mong muốn tỉnh tạo điều kiện về công tác giải phóng mặt bằng, quỹ đất; hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo nhanh, gọn; hành lang pháp lý minh bạch để các doanh nghiệp thực hiện đầu tư có hiệu quả, đóng góp cho ngân sách của tỉnh.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục